Mẹo chọn lens cũ tốt nhất cho máy ảnh của bạn
Thay vì đầu tư lens mới cho máy ảnh, lựa chọn mua lens cũ không phải ý kiến quá tồi. Tuy nhiên cần phải lựa chọn thật kỹ, bạn đọc cùng Blog công nghệ tìm hiểu về mẹo chọn lens cũ nhé.
Tìm hiểu nguồn gốc ống kính
Khi bạn tìm mua các ống kính ở trên mạng, bạn có thể tìm hiểu qua về thông tin người bán. Mặc dù tình trạng lừa đảo khi mua bán ống kính là không nhiều nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn thử search số điện thoại của bán lên Google. Mặc dù không chắc chắn hoàn toàn nhưng sẽ tránh được phần nào rủi ro nếu người bán là người chuyên đi lừa bán các ống kính kém chất lượng.
Khi mua bán, các bạn cũng nên mua bán tại nhà và biết rõ địa chỉ người bán để có thể trả lại khi sản phẩm có lỗi. Ngoài ra bạn cũng nên yêu cầu người bán bảo hành khoảng 1 tuần để trải nghiệm thử.
Cầm theo Laptop của bạn
Bạn có thể cầm theo laptop của mình để chụp thử, kiểm tra chất lượng ảnh một cách tốt hơn thay vì chỉ nhìn trên màn hình máy ảnh. Bạn nên thử chụp với bầu trời hay nền gì đó sáng, mở khẩu tối đa, khép khẩu rồi lần lượt kiểm tra chất lượng ảnh. Kiểm tra flare và ghost của ống kính nếu có thể, với các ống kính super-tele bạn không được ngắm thẳng về phía mặt trời nếu không muốn mắt và máy ảnh bị ảnh hưởng. Kiểm tra xem độ nét và so sánh với một số ảnh mẫu trên mạng (tất nhiên cũng sẽ tùy thuộc một chút vào body mà bạn đang sử dụng nữa.
Kiểm tra chất lượng quang học
Đây chắc chắn là phần quan trọng nhất khi mua ống kính cũ. Đơn giản vì chất lượng quang học chính là yếu tố quyết định nói lên giá trị của ống kính.
Một cách đơn giản để bạn có thể làm điều này dùng đèn flash chiếu qua ống kính với các góc khác nhau. Bất kỳ hư hại nào trên ống kính cũng có thể nhận thấy dễ dàng. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng nguồn sáng tự nhiên như ánh sáng mặt trời hay các nguồn sáng đủ mạnh để có thể nhìn rõ bên trong thấu kính.
Với những ống kính có vết xước ở phía sau thấu kính, bạn không nên mua hoặc cân nhắc kỹ càng vì các vết xước ở thấu kính sau gây ảnh hưởng rõ rệt tới chất lượng ảnh. Với những vết xước nhỏ ở thấu kính phía trước, bạn có thể bỏ qua vì chúng sẽ không gây ảnh hưởng tới chất lượng ảnh khi sử dụng.
Nếu khi soi dưới nguồn ánh sáng mạnh, bạn thấy trên ống kính có những dấu hiệu của mốc hay rễ tre bạn nên thật cẩn thận khi quyết định mua chúng. Ngoài ra, nếu khi mở khẩu lens lớn nhất mà hình ảnh qua lens không thật sự rõ nét hơi mờ thì ống kính cũng đã có dấu hiệu của việc xuống cấp và bạn cũng không nên mua chúng. Với những ống kính prime có hiện tượng rễ tre nhẹ, bạn có thể cân nhắc mua. Nhưng với các ống zoom bị rễ tre hay mốc, tốt nhất bạn không nên mua vì rất khó để lau các thấu kính ở trong. Ngoài ra bạn cũng không nên cắm các ống kính bị mốc hay rễ tre vào máy của mình vì có một khả năng rất nhỏ rằng mốc sẽ “lây” sang các ống kính khác của bạn
Bụi là một điều khả hiển nhiên trên ống kính. Nếu các ống kính có một ít bụi bên trong cũng không phải là vấn đề lớn. Vì thậm chí khi bạn “đập hộp” một số ống kính mới, vẫn có thể bụi bị lẫn bên trong ống kính. Nhưng với một số ống kính cao cấp có bảo vệ và chống tác động từ thời tiết, nếu có quá nhiều bụi xuất hiện bên trong thì rất có khả năng ống kính đó đã bị tháo ra và lắp lại không chặt khiến bụi xâm nhập. Bạn cũng không nên mua các ống kính có hiện tượng như vậy.
Kiểm tra chất lượng cơ học
Ngoài quang học thì cơ học cũng là một phần không thể thiếu khi bạn mua ống kính.
Kiểm tra phần kết nối với ống kính
Kiểm tra phần mount kết nối với body: Tất nhiên rồi, bạn nên cắm thử vào body của mình và thử xem máy có nhận ống kính một cách bình thường không, thử kiểm tra và chụp với ống kính. Nếu bạn mua online (và cũng không nên mua ống kính cũ online) bạn nên hỏi người bán mount mà ống kính dùng vì có thể sẽ không tương thích với body của bạn
Kiểm tra vòng zoom: Nếu bạn mua các ống zoom, hãy thử kiểm tra và xoay thử em ống kính có hoạt động mượt mà hay không. Nếu zoom bị nặng hay khó, nhiều khả năng ống kính đã bị rơi hay va đập ở đâu đó khiến ống kính bị méo. Một số ống kính có thể sửa zoom dễ dàng nhưng một số ống kính việc sửa chữa sẽ rất tốn kém.
Kiểm tra khẩu độ: bạn nên cắm ống kính vào máy của mình sau đó khép khẩu xuống thấp nhất để kiểm tra. Hãy thử soi xem có chút dầu nào dính vào khẩu độ của ống kính không? Chúng hoạt động có dễ dàng không? Nếu cấu trúc của khẩu độ không đối xứng một cách hoàn hảo bạn cũng đừng lo vì điều này chỉ xảy ra rất hiếm trên các ống kính đắt tiền của Carl Zeiss hay Leica mà thôi. Ngoài ra chúng cũng không hề ảnh hưởng tới chất lượng ảnh.
Ngoài ra bạn cũng nên kiểm tra thử các nút gạt trên thân ống kính xem có hiện tượng bất thường hay không.
Kiểm tra lấy nét tự động
Khả năng lấy nét tự động của các ống kính khác nhau có thể khác nhau nhưng dù ống kình nào thì lấy nét tự động cũng cần phải hoạt động một cách mượt mà. Bạn hãy chụp thử và cho ống kính lấy nét từ gần nhất ra vô cực xem có bị “khựng” hay gặp vấn đề gì không.
Ngoài ra một số ống kính có thể bị lấy nét sai hay vẫn gọi là hiện tượng “front-focus” hay “back-focus” tùy trường hợp. Với một số dòng ống kính như dòng Art của Sigma, người dùng có thể điều chỉnh bằng cáp. Với một số ống kính không hỗ trợ thì có khả năng do ống kính hoặc do máy ảnh của bạn.
Cuối cùng, Blog Công Nghệ khuyên bạn không nên quá tham rẻ mà mạo hiểm với những ống kính đã bị hư hại lớn. Và đừng quên đi cùng bạn mình để có thể có những đánh giá chuẩn nhất nhé.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét